Thời gian sử dụng thiết bị điện tử của trẻ em trong mùa dịch đang ở ngưỡng đáng “báo động”!
Nghiên cứu về thời gian sử dụng thiết bị của trẻ em
Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí JAMA Pediatrics – một trong các tạp chí Quốc tế có uy tín về ngành y học trẻ em cho biết: “Thanh thiếu niên dành gần 8 giờ đồng hồ mỗi ngày trước màn hình thiết bị. Con số này gấp đôi số giờ đồng hồ dự tính trước đại dịch là 4 tiếng mỗi ngày.”
Thời gian sử dụng thiết bị của trẻ bao gồm các hoạt động: chơi game, lướt web, xem video giải trí, “chat chit” cùng bạn bè. Như một chất gây nghiện, trẻ em có xu hướng dành hàng giờ liền để xem các Short trên Youtube hay là Tiktok. Theo nghiên cứu tại Hoa Kỳ, trẻ từ 4 đến 15 tuổi sử dụng trung bình 85 phút mỗi ngày để xem video trên YouTube, 80 phút mỗi ngày lướt TikTok.
Việc sử dụng thiết bị điện tử đi kèm với sức hút của các trang mạng xã hội đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề thời gian sử dụng thiết bị của trẻ. Chúng gây ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm sinh lý và sự phát triển của chúng.
Ảnh hưởng sức khỏe tinh thần
Có thể bạn chưa biết nhưng thời gian sử dụng thiết bị công nghệ có liên quan đến mức độ căng thẳng của trẻ một cách ngạc nhiên. Trẻ có xu hướng thu mình trong cái kén của thiết bị điện tử mà tránh xa vòng tay bạn bè. Chúng dành hàng giờ liền trước màn hình để chơi game, lướt web, xem phim như một phương thức giải trí. Điều này khiến vòng bạn bè của trẻ ngày càng hẹp lại, giao tiếp cũng vì thế mà hạn chế hơn.
Bạn sẽ chẳng biết lúc nào con cái của mình rơi vào trạng thái cô đơn mà không có ai chia sẻ. Vì ở lứa tuổi đang lớn, các thanh thiếu niên rất khó để mở lòng với cha mẹ mình. Lâu dần có thể gây ra lo lắng, mất ngủ và tệ hơn là trầm cảm ở trẻ. Tiến sĩ Jason Nagata, phó giáo sư nhi khoa tại Đại học California ở San Francisco cho biết: “Dành nhiều thời gian sử dụng thiết bị dẫn đến sức khỏe tinh thần kém hơn và sự căng thẳng nhiều hơn ở thanh thiếu niên.”
Đặc biệt là trong mùa dịch, mọi giao tiếp đều trở nên khó khăn hơn với các lệnh giãn cách, hoạt động vui chơi của trẻ cũng vì thế mà hạn chế. Cha mẹ nới lỏng thời gian sử dụng thiết bị của con đều hy vọng rằng “việc kết nối với bạn bè thông qua chơi game hay xem video thư giãn, sẽ là một liều thuốc giảm căng thẳng trong thời kỳ đại dịch diễn ra.” Nhưng tiềm ẩn là sự tiêu cực xuất phát từ hội chứng “doomscrolling” – lướt tin không ngừng khiến chúng ta cảm thấy chán nản.
Hơn nữa, thời gian sử dụng thiết bị cao hơn cũng có thể khiến trẻ em có ít thời gian hơn để tham gia vào các hoạt động “phát triển kỹ năng trong những thời điểm khó khăn, bao gồm ngủ, khám phá tâm thức, hoạt động thể chất.” Nghiên cứu cho thấy trẻ em có thời gian sử dụng thiết bị ít thường có mối quan hệ gia đình và bạn bè bền chặt hơn, có nhiều cách để đối phó với các cám dỗ.
Ảnh hưởng thị giác
Theo thông tin Y tế từ tháng 9 đến tháng 12 năm 2020, tại Việt Nam ước tính có khoảng 3 triệu trẻ em trên cả nước mắc tật khúc xạ về mắt, trong đó 2/3 là bị cận thị, tập trung chủ yếu ở đô thị với tỷ lệ chiếm 30-40%.
Đối với tần suất sử dụng thiết bị dày đặc của trẻ em thì con số trên là một hồi chuông cảnh báo cho các quý vị phụ huynh. Dường như việc ảnh hưởng thị giác xuất phát từ ánh sáng xanh phát ra bởi màn hình máy tính, điện thoại, tivi. Ánh sáng xanh được mệnh danh là kẻ thù số một của sự an toàn vì bước sóng ngắn nhưng có năng lượng cao nên khi đến võng mạc sẽ làm tổn thương các tế bào thị giác. Từ đó gây ra các tật về mắt như rối loạn điều tiết mắt, suy giảm thị lực, thậm chí có nguy cơ mù lòa. Các đặc trưng nguy hiểm của ánh sáng xanh cộng với thời gian sử dụng thiết bị công nghệ lâu khiến mắt liên tục phải điều tiết, lâu ngày thủy tinh thể không thể xẹp xuống như hình dạng ban đầu nên dẫn đến cận thị.
Tiếp xúc với các nội dung xấu
Trẻ em là một miếng mồi béo bở cho những tay săn trên mạng lợi dụng và thao túng. Chúng cực kỳ tình vi khi sử dụng những hình ảnh, video chứa nội dung xấu, độc hại trên mạng xã hội để nhắm đến đến đối tượng là trẻ nhỏ, thanh thiếu niên – độ tuổi vẫn chưa có sự phát triển đầy đủ về nhận thức và tâm sinh lý.
Theo nghiên cứu thống kê ở trên thì thời gian sử dụng Tiktok, Youtube của trẻ có thể lên đến 2-3h đồng hồ. Một lượng thông tin khổng lồ sẽ được truyền đến đại não của trẻ, dần dần những thông tin đó sẽ kích thích trẻ hành động. Hơn nữa, Tiktok chưa có một chế tài đặc biệt kiểm duyệt nội dung đăng tải nên dễ xuất hiện nhiều video bạo lực, kích động phân biệt tôn giáo, đặc biệt là các trào lưu ngày càng khó chịu, biến thái. Điều này khiến một số không nhỏ người dùng trưởng thành có cảm giác khó chịu, bị xúc phạm chứ không chỉ riêng trẻ em sẽ bị ảnh hưởng đến thế nào đây.
Làm thế nào để cha mẹ hạn chế thời gian sử dụng thiết bị của con cái
Đặt giới hạn thời gian sử dụng thiết bị
Khi đại dịch lắng xuống, có thể thời gian sử dụng thiết bị sẽ không nhanh chóng biến mất mà thậm chí có nguy cơ tăng cao. Trong lúc mọi thứ đều đã ổn định với hình thức trực tuyến, cha mẹ nên có một giải pháp mang tính lâu dài.
Người lớn đặt giới hạn thời gian sử dụng thiết bị cho con cái của họ và khuyến khích chúng tránh sử dụng trước khi đi ngủ. Hạn chế ngồi trước các thiết bị công nghệ quá 180 phút. Trên các thiết bị thông minh đã có một số hệ điều hành ứng dụng công nghệ giới hạn thời gian sử dụng ứng dụng. Cha mẹ có thể thiết lập thời gian phù hợp để chúng tự động nhắc nhở con “sử dụng đủ rồi!”. Trên các thiết bị có hệ điệu hành IOS như Iphone/Ipad có thể sử dụng Time Limit (giới hạn thời gian) hay đối với thiết bị Android cha mẹ được khuyến khích nên dùng chế độ Kid Mode.
Hình thành thói quen tốt
Michael Robb, giám đốc cấp cao của nghiên cứu tại Common Sense Media cho biết: “Cha mẹ cũng nên làm gương cho con cái bằng cách không sử dụng thiết bị trong thời gian sinh hoạt gia đình và trong bữa ăn, đừng thường xuyên làm gián đoạn việc tương tác với con cái để chú ý đến thiết bị.” Thật vậy, cha mẹ chính là tấm gương sáng để con cái noi theo, giúp chúng hình thành những tư duy đúng đắn khi sử dụng thiết bị điện tử.
Tận dụng những trò chơi và hoạt động tư duy
Người Châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng vốn đã có nền văn hóa gắn kết lẫn nhau. Chúng ta cần phát huy điều đó để hạn chế những mặt tiêu cực trong cuộc sống công nghệ, thiết bị điện tử đang ngày một hiện đại. Những giá trị của trò chơi dân gian sẽ là một phương thức để kéo gần khoảng cách giữa phụ huynh với các con, kéo dài khoảng cách các con đến với những thứ tiêu khiển trên thiết bị.
Một số trò chơi dân gian điển hình có thể kể đến như ô ăn quan, nhảy lò cò, lùa vịt,…vừa là một hoạt động thể chất tăng sự tương tác giữa cha mẹ và con cái vừa thấu hiểu được tính cách của nhau. Ngoài ra còn một số trò chơi phát triển tư duy như là cờ vua, cờ vây, cờ tướng mà chính gia đình là người đồng hành cùng trẻ.
Tạm kết
Không thể phủ nhận mặt tích cực của các thiết bị tiên tiến nhưng cha mẹ hãy dạy trẻ cách để làm chủ công nghệ. Tránh tình trạng thiết bị làm chủ con người và khiến con người lệ thuộc vào nó. Sự giáo dục nghiêm khắc, đồng thời việc chú trọng đến các hoạt động phát triển bản thân con trẻ sẽ là một cách phát triển toàn diện nhất dành cho chúng. Hãy để thiết bị là một phần quan trọng trong cuộc sống chứ không phải là thứ điều khiển trong cuộc sống chúng ta.
Chia Sẻ :